PMC Twenty5 24 dễ khiến người nghe dễ lầm tưởng về kích thước, giá thành và chất lượng trình diễn vượt nhiều lần những chỉ số thực tế của nó.
Tài không đợi tuổi
Nếu xét về thâm niên thì hãng loa PMC mới được liệt vào hàng trai đinh so với các bậc tiên chỉ ở Anh Quốc như Tannoy, B&W, Celestion, Rogers, Quad hay Wharfedale… Ra đời năm 1991, PMC thuộc thế hệ 9x, nhưng không bởi thế mà nó lép vế. Ngược lại, cùng với Harbeth, Wilson Benesch, Living Voice… PMC ngày nay đã trở thành một trong những biểu tượng đương đại của nền công nghiệp âm thanh Anh Quốc. Lý do hết sức đơn giản, nó là sản phẩm của kỹ sư âm thanh tài năng Peter Thomas, người từng có những đóng góp đáng kể cho BBC – một trong những đài phát thanh lớn nhất thế giới.
Để chỉ ra một thương hiệu có nét tương đồng với PMC, chỉ có thể là ATC. Cả hai hãng đều duy trì song song hai dòng sản phẩm loa dân dụng và loa phòng thu. Nếu nhìn vào danh sách nghệ sỹ, phòng thu sử dụng ATC thì nhiều người sẽ choáng ngợp. Nhưng PMC cũng không kém cạnh. Ngoài việc được các nghệ sỹ lớn sử dụng thì các hãng thâu âm danh giá cũng đang dùng PMC như loa tham chiếu gồm có Wonderland Studio của Stevie Wonder, kênh Hospital HDTV London, nhãn đĩa chuyên dòng nhạc cổ điển lừng danh DECCA hay Harmonia Mundi…
PMC là một trong số ít những công ty chế tạo loa đoạt giải Emmy. Có lẽ danh sách những siêu phẩm dưới đây sử dụng loa PMC làm nhạc phim sẽ khiến độc giả thấy quen thuộc hơn: Titanic, Điệp Vụ Bất Khả Thi, Trân Châu Cảng, Người Sắt 1-2, Skyfall, Người Nhện 1-2-3, Cướp Biển Caribbean… Để gặt hái thành tựu theo kiểu tài không đợi tuổi như vậy, triết lý của PMC đơn giản là tạo ra những bộ loa có khả năng tái hiện thuần khiết cảm xúc của người nghệ sỹ mà không thêm thắt màu mè. Triết lý này được duy trì cả đối với dòng sản phẩm home lẫn studio.
Twenty5 24: Hình mẫu của loa cột hiện đại
Đây có lẽ là lần đầu tiên, PMC chính thức gia nhập thị trường hi-end tại Việt Nam với loạt sản phẩm của series đột phá twenty5 và dòng đầu bảng SE series. Cặp loa PMC đầu tiên chúng tôi chọn để thưởng thức là đôi loa cột 2 driver, 2 đường tiếng có kích thước vào loại trung bình. Loa được thiết kế ngả về sau một góc nhất định nhằm đồng nhất về pha thời gian cho âm thanh giữa các giải.
Quan sát twenty5 24, chúng tôi nhận thấy đây là một sản phẩm được hoàn thiện kỹ, chỉn chu với từng chi tiết sắc sảo, chau chuốt từng đường vân, thớ gỗ, các mép nối của vỏ thùng cho đến các chi tiết kim loại như cọc đấu loa, chân đế vững vàng… Không nhiều các thiết bị nghe nhạc, đặc biệt là loa được hoàn thiện với chất lượng cao ở mức này. Nó khiến người ta liên tưởng đến những sản phẩm tiêu dùng cao cấp được lắp ráp trên những dây chuyền tự động hóa hoàn toàn với độ chính xác tuyệt đối. Chất lượng hoàn thiện cao của twenty5 24 mang lại cảm giác tin tưởng cho người dùng.
Về kết cấu tổng thể, twenty5 24 có nhiều nét tương đồng với những dòng loa cột truyền thống với chất liệu vỏ thùng bằng gỗ thịt, những đường nét vuông thành sắc cạnh, không có những thiết kế phá cách được khoác lên mình những mỹ từ về công nghệ. Song, nếu quan san kỹ từng chi tiết thì có thể thấy twenty5 24 là thiết bị mang đậm hơi thở thời đại. Từng đường nét dứt khoát, sắc sảo và khỏe khoắn của twenty5 24 đều nói lên rằng sản phẩm này phù hợp với những không gian nội thất hiện đại, đặc biệt trong những căn phòng khách tương đối rộng của những căn hộ lớn. Nó hẳn sẽ là điểm nhấn ăn ý với nhiều món đồ nội thất đương đại.
Để trải nghiệm twenty5 24, chúng tôi sử dụng nguồn phát là đầu CD Accuphase DP-560 và ampli tích hợp class-A Accuphase E-650. Cả hai thiết bị điện tử này đều thuộc loại tốt của hãng âm thanh Nhật Bản. Chiếc ampli tích hợp chạy chế độ class A thuần cho công suất 30 watt ở trở kháng 8 Ohm, cũng là trở kháng của loa PMC twenty5 24. Chủ quan mà nói, nhiều người sẽ thấy băn khoăn khi sử dụng một chiếc ampli công suất vỏn vẹn 30 watt để ghép cùng đôi loa cột khá lớn cao trên 1 mét, nặng tới 23 kg. Tuy nhiên, nến hiểu kết cấu của ampli E-650 và đã có kinh nghiệm chơi dòng tăng âm class A của Accphase thì sẽ chẳng có gì phải lo lắng.
Và màn trình diễn của hệ thống không những gạt bỏ ngay mọi hoài nghi mà còn mang đến cho người nghe trải nghiệm âm nhạc kỳ thú. Hiếm có cặp loa cột nào ở kích thước của twenty5 24 lại họa lên được một không gian âm nhạc sâu – rộng và dồi dào năng lượng đến thế. Nếu “test mù”, hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng cặp loa đang hát phải lớn hơn nhiều, và có giá tiền tối thiểu từ 10.000 USD trở lên. Vậy phải chăng PMC đang bán loa rẻ bằng phân nửa so với các dòng loa hi-end phổ biến khác trên thị trường?! Chúng tôi cho rằng không! Họ bán loa đúng giá trị, đúng chất lượng và không moi tiền người dùng bằng những kỹ xảo marketing thượng hạng.
Về sân khấu âm thanh, twenty5 24 khiến tôi nhớ tới cặp loa mành Magnepan 1.7i với chiều cao và bề rộng sân khấu đặc biệt lớn. Chiều cao sân khấu của twenty5 24 mà người nghe cảm nhận được ở khoảng cách 3m là chừng 50-60cm bên trên nóc thùng loa. Có nghĩa là nó cho cảm giác đang nghe một cặp loa cao xấp xỉ 1,7m – tương đương chiều cao của Magnepan 1.7i. Với chiều cao sân khấu như vậy, twenty5 24 không khó để tái hiện màn trình diễn của một dàn nhạc lớn, hoặc của một nhóm nhạc nhỏ với ca sỹ đứng ở trung tâm – tựa như ta đang ngồi nghe nhạc trong phòng trà với ca sỹ hát trước mặt, chỉ cách vài ba bàn nước.
Tiếng trầm của twenty5 24 là thế mạnh của cặp loa cột thanh thoát này. Chỉ với một loa mid-woofer đường kính 17cm nhưng nhờ thiết kế cột hơi ATL – Advanced Transmission Line độc đáo mà tiếng trầm trở nên đầy đặn, căng tròn nhưng nhanh và hoạt bát, chắc nịch ở mọi mức volume. Tiếng trống cái trong dàn nhạc giao hưởng hay tiếng kick drum của một rock band được tái hiện rất lực và thực. Nếu là loa truyền thống thì cần driver lớn hơn 20cm, còn loa hiện đại để ra được tiếng trầm như vậy, phải là loa từ 3 đường tiếng, 3 driver trở lên với thiết kế thật tốt.
Tiếng sáo gỗ và tiếng kèn trong tác phẩm Portrait Of Romantic (John Surman) êm và thoát, bay bổng vượt hẳn khỏi vùng không gian trình diễn của những mẫu loa thông thường. Âm nhạc tràn đầy không gian phòng nghe chừng 40m2 với một sự dễ chịu và thoải mái cho người thưởng thức. PMC biết cách tạo ra những đôi loa vừa chân thực, nhưng lại rất lọt tai với phong cách trình diễn kiểu “ăng-lê”: trung âm mềm và ấm, biểu cảm; dải cao ngọt và dịu dàng. Đặc biệt, dải trầm không bị nông và đục như nhiều mẫu loa Anh truyền thống mà xuống khá sâu với đầy đủ sắc thái.
Với bản The Man You Were (Shirley Horn), twenty5 24 đã vượt qua phần intro bass một cách ấn tượng. Thông thường, The Man You Were được coi như bản test khắt khe mà phần lớn các mẫu loa đều thất bại với note bass đầu tiên ở hai thái cực: hoặc thiếu trầm mà tiếng guitar bass trở nên hời hợt thiếu sinh khí, hoặc quá nhiều trầm mà dẫn tới mất kiểm soát hoàn toàn – ngập chìm trong tiếng bass. Với twenty5 24, tiếng trầm được buông ra sâu thẳm, êm và có độ lan tỏa mà không dội lùng bùng. Để làm được như vậy, phải kể tới thiết kế khí động học Laminair của hai lỗ thông hơi phía trước, tương tự như thiết kế khí động học trên mũi xe đua công thức 1. Nó giúp cho luồng hơi được thoát ra cực nhanh với tính định hướng cao, giảm thiểu nhiễu động trong không khí, tối ưu hóa sự chính xác cho dải trầm, đặc biệt trên khía cạnh pha thời gian và động lực học.
So với những dòng loa Anh khác, vốn giàu nhạc tính, ngọt ngào và dễ nghe nhưng dễ mất chi tiết thì âm thanh của twenty5 24 có phần chính xác với độ chi tiết được cải thiện đáng kể. Phẩm chất này có được từ thiết kế Advanced Transmission Line. Cũng sử dụng cột hơi theo công nghệ Transmission Line, nhưng PMC đã cải tiến triệt để tạo nên đường truyền dẫn áp suất không khí tối ưu, vừa hỗ trợ dải trầm tối đa song cũng giảm thiểu nhiễu động tới bộ phân tần hay những rung chấn ngoài mong muốn với thùng loa.
Màn trình diễn ấn tượng nhất của twenty5 24 lại đến từ một bản nocturne viết cho piano của Chopin. Tiếng đàn trong, vang và giàu nội lực với không gian phủ âm khoáng đạt mang lại cho người nghe một cảm xúc được nghe “live” ngay tại chỗ. Đây cũng là phẩm chất mà bất cứ một cặp loa, hay một dàn máy hi-end nào hướng đến.