Góc kỹ thuật

Sự ảnh hưởng của phòng nghe đến hệ thống âm thanh

Phòng nghe luôn là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới khả năng trình diễn và chất lượng âm thanh của các hệ thống audio. Trong đó, việc setup vị trí loa trong phòng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sự tương tác của dàn âm thanh và phòng nghe.

“Nhất điện, nhì phòng, tam dây, tứ kệ” là câu nói mà các audiophile vẫn luôn truyền tai nhau khi nói về thứ tự tầm quan trọng của các phụ kiện đến chất lượng âm thanh của các hệ thống audio. Ngoài nguồn điện là yếu tố có tác động trực tiếp lên khả năng trình diễn của các thiết bị và chất lượng âm thanh đầu ra thì phòng nghe là yếu tố phụ quan trọng nhất, dù không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trình diễn của các thiết bị nhưng những tương tác về mặt âm thanh của phòng nghe lại quyết định khá nhiều đến chất lượng âm thanh của hệ thống nói chung và giá trị trải nghiệm của người nghe nói riêng.

Trong một chương trình “Ask the Expert” được tổ chức bởi Dynaudio, chuyên gia Roland Hoffmann của hãng loa hi-end danh tiếng này sẽ giải đáp những thắc mắc của người dùng về phòng nghe cũng như setup vị trí loa trong phòng. Roland Hoffmann hiện là quản lý cấp cao của Dynaudio, ông sẻ trả lời những câu hỏi cơ bản mà hãng này nhận được nhiều nhất về vấn đề phòng nghe, nhằm giúp người dùng có được những hình dung cần thiết về vai trò của căn phòng và cụ thể hơn là cách kê đặt loa thích hợp.

Khoảng cách lý tưởng từ loa tới tường là bao nhiêu?

Trên thực tế không hề tồn tại một khoảng cách lý tưởng dành cho mọi căn phòng, mọi hệ thống. Thông thường, con số này rơi vào khoảng 1m ở hầu hết các tường hợp. Tuy nhiên, khoảng cách giữa loa và tường phụ thuộc vào khác nhiều thứ như kích thước phòng (chiều dài, chiều rộng, độ cao), đặc tính âm học của phòng, kích thước loa (lớn hay nhỏ), cấu trúc của loa và đặc tính âm thanh của nó. Phòng nghe luôn có tác dụng như một thùng loa, nghĩa là sẽ phát sinh các tương tác như sóng đứng và cộng hưởng, đặc biệt đối với dải trầm. Do đó, việc cần thiết khi có một hệ thống âm thanh trong tay là tính toán, setup để chọn ra vị trí tối ưu nhất cho đôi loa ở căn phòng của nó.

Tác động của cổng phản xạ phía sau loa với tường?

Cổng phản bass thực tế là một cổng thoát hơi được mở ra từ thùng loa nhằm tận dụng những cộng hưởng có lợi để tăng cường chiều sâu và cường độ dải trầm. Thông thường, cổng phản xạ bass sẽ được đặt phía sau loa và nó chỉ phát ra những âm trầm có tần số rất thấp, chừng vài chục Hz. Do đó, việc cần làm lúc này là hiệu chỉnh loa đến một vị trí, khoảng cách phù hợp so với tường để có được tiếng bass rõ nét và gọn ghẽ nhất, không bị cộng hưởng với tường gây ù rền hay um tiếng. Sau khi đã chọn được một vị trí cho loa mà ở đó âm bass là tốt nhất, chúng ta có thể bổ sung thêm một số bass trap để tiêu bớt năng lượng dư thừa của dải trầm, tuy nhiên cần chú ý sử dụng ở mức vừa đủ để không làm thiết bass, mất chi tiết.

Hiện tượng mất bass và cách setup trong phòng vuông?

Một số người dùng thường phàn nàn về chuyện họ không nghe thấy hoặc chỉ nghe thấy tiếng bass rất yếu ớt từ dàn máy của họ. Nếu dàn máy đó đủ tốt và phối ghép phù hợp thì rất có thể hiện tượng này gây ra bởi việc chọn sai vị trí, có thể là vị trí ngồi, vị trí đặt loa hoặc cả 2, làm cho người nghe rơi vào đúng vị trí nút sóng, ở đó âm trầm là ít nhất. Hãy thử kê lại loa hoặc chọn lại vị trí ngồi và nghe thử, từ đó chọn ra vị trí tốt nhất.

Đối với phòng vuông, đây là căn phòng bất lợi nhất cho việc setup âm thanh bởi nó có chiều rộng bằng chiều dài, đồng nghĩa với việc sóng đứng sẽ tăng lên gấp đôi so với các trường hợp khác. Cách xử lý vấn đề này là người ta thường cố gắng phá vỡ sự đối xứng của hình vuông này. Đầu tiên, vị trí ngồi nghe được khuyến cáo nên chọn ở cách tường phía sau 1/5 chiều dài phòng. Tiếp đến, các loa nên được kê ở vị trí mà số đo của nó tuân theo “tỉ lệ vàng” trong setup âm thanh là 8:5. Cụ thể, khoảng cách của loa tới tường phía sau so với khoảng cách của loa với tường bên sẽ có tỉ lệ là 8:5. Từ đó, có thể thực hiện dịch chuyển loa vài cm, tiến lên hoặc lùi lại sau đó nghe thử ở từng vị trí để chọn ra chỗ có âm thanh tốt nhất.

Những thử nghiệm tốt nhất cho âm thanh tần số thấp.

Hiệu quả của việc setup âm thanh thường được đánh giá bằng chất lượng dải trầm mà người nghe thu được bởi đây là dải tần số biểu hiện rõ nhất những vấn để của phòng nghe. Thông thường, chúng tôi chọn các bản ghi giàu tiếng bass ở hoảng 80Hz hoặc 60Hz bởi đây là âm trầm dễ nghe, cảm nhận và đánh giá nhất. Tôi có một số đề xuất về các bản nhạc thử nghiệm âm trầm dành cho việc setup hệ thống âm thanh:

Lou Reed – Walk on the wild side, Transformer

Daft Punk – Get Lucky, Random Access Memory

Kraftwerk – Das Model (2009 re-master), Die Mensch Machine

Turboweekend – Sweet Jezebel, Ghost Of A Chance

Tam giác stereo

Tam giác stereo là một vị trí thiết lập lý tưởng dành cho hoạt động nghe. Tại đó, người nghe và 2 loa sẽ tạo thành một tam giá đều. Tuy cách sắp xếp này không thường được sử dụng tại nhà do cách điều kiện khác nhau nhưng nó chính là cách để có được trải nghiệm nghe với chất lượng âm thanh tốt nhất. Tam giác stereo lý tưởng luôn được ứng dụng trong các studio chuyên nghiệp, tại vị trí này, người nghe sẽ nhận được âm thanh với chất lượng tốt nhất, chính xác về tần số và pha, giàu chi tiết, hài âm cũng như có được cảm nhận về âm hình stereo rõ ràng nhất. Các loa trong bố trí này có thể được toe-in (hướng vào trong) một chút để tạo ra trường âm tốt nhất. Góc toe-in ít hay nhiều phụ thuộc vào đặc tính căn phòng cũng như độ tỏa rộng của âm thanh từ loa.

Những bản nhạc tốt nhất để thử nghiệm âm hình stereo của hệ thống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *